Người viết: Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng
Âm nhạc truyền thống có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa nghệ thuật của dân tộc ta. Từ ngàn xưa âm nhạc chính là tiếng nói Thiêng, ông cha ta dùng để giao cảm với thần linh và các lực lượng siêu nhiên. Âm nhạc truyền thống, đặc biệt là âm thanh của bộ gõ (Trống , mõ, phách) đã góp phần rất lớn vào sự thăng hoa của sân khấu kịch hát dân tộc.
Đầu thế kỷ XX, âm nhạc truyền thống và sân khấu kịch hát đã có những thay đổi lớn. Đó là việc hình thành và phát triển nền âm nhạc phương Tây… Hình thành hai nền âm nhạc, hai khái niệm: nhạc mới và nhạc truyền thống. Sự ra đời của kịch nói bên cạnh sự thăng trầm của sân khấu kịch hát(Chèo, tuồng, Hát bội).
Người Việt Nam biết đến âm nhạc phương Tây từ những nhà truyền giáo, những nhạc công Pháp, ca khúc Pháp, những bài kèn của đội quân viễn chinh. Sau đó, âm nhạc phương Tây vào nước ta bằng những bước dài.
Những thanh niên Tây học đã tiếp nhận kịch bản Pháp từ các trường trung học Pháp Việt với chương trình học vấn học bắt buộc gồm các tác giả Corneille, Racine, Moliere và ai nấy đều nắm vững thi pháp cổ điển: luật tam duy nhất. Những chuyến lưu diễn của một số đoàn kịch kịch Pháp. Các yếu tố này đã ảnh hưởng và tạo điều kiện cho sự ra đời của nghệ thuật kịch nói Việt Nam. Đến nay kịch nói đã phát triển để trở thành một trong những kịch chủng chính của sân khấu chúng ta. Kịch nói, trong nhiều thập kỳ không tránh khỏi sự bắt chước mẫu mực Châu Âu đã sinh ra nó, xu hướng thoát ly khỏi âm nhạc truyền thống trong dàn dựng vở diễn.
Từ năm 1950, các giá trị văn hóa truyền thông dân tộc được đánh giá lại, giờ đây các vẻ đẹp truyền thống đã hồi sinh trong đó có âm nhạc. Các đạo diễn sân khấu đã kinh ngạc trước khả năng thể hiện của bộ gõ – một nhạc cụ thô sơ nhưng có sức khơi dậy cảm xúc của diễn viên và óc liên tưởng của khán giả. Tiếng trống trong Tuồng (Hát bội) diễn tả tâm trạng của nhân vật ở ba thời điểm lúc bắt đầu đi, đang ở giữa đường và khi đến nơi… một cách tài tình.
Trong trích đoạn Thị Màu lên chùa, âm nhạc tạo nên cảnh tĩnh mịch của nhà chùa thông qua tiết tấu nhịp gõ của mõ điểm canh vài tiếng chuông thưa thớt. Cũng thông qua tiếng mõ dồn dập, tiếng chuông điểm mau hơn đã thể hiện sự xáo động bên trong của Thị Kính. Với nhân vật Thị Màu, âm nhạc khắc họa tính cách của cô gái nồng nhiệt cháy bỏng khát vọng yêu đương bằng tiếng trống đế và giai điệu vang lên qua cầy đàn nhị. Chỉ với hơn mười phút, âm nhạc được xử lý trong trích đoạn này đầy đủ ở ba dạng: tùy theo lời ca âm nhạc đệm cho nhân vật, âm nhạc phụ họa cho tính cách nhân vật tạo nên sự đa dạng về tiết tấu, làm sinh động trò diễn của Thị Mầu và Thị Kính.
Nhiều đạo diễn kịch nói đã tiếp thu và cùng với nhạc sĩ hay người chọn nhạc tạo được nhiều thành công trong sáng tạo vở diễn tả thực. Trên cái sân diễn gần như trống trơn, dựa vào nghệ thuật biểu diễn của diễn viên được âm nhạc truyền thống gợi mở, có thể miêu tả chuyến xe điện, một con thuyền lênh đênh ngoài biển, một trận đánh, một đoàn hải thuyền vật lộn với phong ba bão táp, một ca phẫu thuật. Không gian và thời gian sân khấu không còn tĩnh mà trở thành động, mà không đòi hỏi phương tiện kỳ thuật phức tạp.
Nhiều vở diễn thành công đã làm thay đổi diện mạo của những năm 70 và 80, góp phần phá vỡ tình trạng các vở kịch nói cứ hao hao giống nhau. Bộ gõ trong âm nhạc truyền thống được sử dụng nhiều, tạo hiệu quả bất ngờ đối với người xem. Tiếng mõ khi gõ thưa, đều gây một không khí buồn buồn hẻo lánh, khi gõ không đều, thình thoảng lại vẻ thì gây cảm giác hồi hộp. Tiếng trống để tạo nên cái xao xuyên vui mừng của ngày mùa được sống trong nhiều vở kịch nói miêu tả cuộc sống thanh bình của nông thôn Việt Nam.
Từ những năm 90 của thế kỷ XX, khi khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, âm nhạc truyền thống đã dần phải nhường bước trong đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Đời sống âm nhạc như một thị trường và người dân có thể tự chọn lựa, thậm chí không kịp chọn mà bị tiếp thu một cách thụ động. Hệ thống truyền thông, internet đã tạo ra một thị trường nhộn nhịp đa dạng và phức tạp. Âm nhạc mang tính cơ học. Điều kiện kinh tế, lao động, sinh hoạt đã thay đổi. Âm nhạc được khơi nguồn từ chủ đề mới trong cuộc sống. Thậm chí, những nghi lễ trong một đời người, việc cưới, việc tang, cúng tế cũng đã theo kiểu mới. Sự thắng thế của kỹ thuật điện tử, âm nhạc mang tính toàn cầu.
Tất cả những điều trên đã tác động rất lớn vào xử lý âm nhạc trong một vở kịch nói. Sân khấu kịch nói ngày nay chịu sự chi phối chủ yếu của những lợi ích thương mại, mà vì chúng, người dàn dựng vở quên đi tình thần trách nhiệm trong việc sử dụng hợp lý âm nhạc truyền thống. Nhiều vở kịch có nội dung về một làn quê Việt, nhưng lại vang lên giai điệu nhiều bản nhạc của Kitaro (Nhật Bản), hoặc âm hưởng nhạc Tây Tạng vang lên át tiếng sáo trúc gợi lên một cái gì mênh mông của đồng quê Việt Nam.
Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, âm nhạc truyền thống là “những tiếng từ, tiếng nhẹ đến tiếng nặng, tiếng câm đến tiếng vang là cái nền cho giai điệu phóng khoáng bay lên. Nó là cái kèo, cái cột chống cái mái, giai điệu nó không kín như phương thức hòa nhạc Tây phương. Nó thông suốt và thoáng, không bưng bít như những bức tường hòa thanh Âu Tây. Đường nét nó chạy theo chiều dọc, nó đóng cảnh, mở cảnh cũng là bằng nhịp điệu, không bằng hòa thanh… Cho nên kế thừa truyền thống, ta không thể bỏ tiếng gõ, mà phải xuất phát từ đó phát huy nó lên. Bỏ nó đi, ta sẽ mất rất nhiều, mất từ căn bản của một hệ thống độc lập”.(Bàn về nhạc dân tộc).
Âm nhạc truyền thống – thành tố văn hóa của bản sắc dân tộc. Âm nhạc truyền thống cần có một vị trí trong sáng tạo vở diễn kịch nói, để ngăn chặn sự sa sút của nghệ thuật sân khấu trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay. Bởi vai trò của kịch nói, hiện đại luôn bám sát và trực tiếp thể hiện đời sống đang biến động dữ dội. Âm nhạc – nghệ thuật của thời gian, nghệ thuật tái hiện ký ức của người nghe một cách mạnh mẽ, gợi cảm xúc và óc tưởng tượng cho mỗi người nghe.
Mỗi nên văn hóa mang những dấu ấn âm nhạc của riêng nó, thể hiện ở môi trường, tôn giáo, đạo đức ứng xử, đời sống xã hội, ngôn ngữ và biểu cảm âm nhạc. Do sự toàn cầu hóa qua các đa phương tiện truyền thông, đặc biệt trong vài năm gần đây khi mạng Internet đưa âm thanh vào mọi ngóc ngách của thế giới …. khiến việc đưa âm nhạc truyền thống đến với sự cảm thụ của người nghe gặp nhiều khó khăn.
Âm nhạc truyền thống có thể gợi lại trong ký ức nhân vật là người nghe những mất mát hay niềm vui trong quá khứ, thúc đẩy câu chuyện kịch với dòng chảy văn hóa mạnh mẽ. Nên việc đưa âm nhạc truyền thống đến với người dân qua các phương tiện truyền thông là rất cần thiết, để phát huy và khả năng tiếp thu âm nhạc không tự nguyện, để ghi vào bộ nhớ của lớp trẻ.
Bảo tồn sống âm nhạc truyền thống trong đào tạo, buộc các sinh viên, học sinh làm quen với các tác phẩm âm nhạc dân tộc- nghe không tự giác nhiều lần sẽ khiến họ ghi sâu vào trí nhớ. Hi vọng, sau đó lớp trẻ sẽ mang âm hưởng nhạc dân tộc vào các tác phẩm sân khấu kịch nói.