Người viết: GS TS Trần Thế Bảo
Cả ba dòng nhạc: giao hưởng thính phòng, nhạc nhẹ giải trí, nhạc dân tộc truyền thống đều được điện ảnh đón nhận.
Tái hiện ký ức, thể hiện tâm thức, nội tâm nhân vật dường như nhạc giao hưởng thính phòng có khả năng phát huy và đẩy lên đỉnh cao trào dựa trên thế mạnh về biểu cảm của dàn nhạc giao hưởng đồ sộ đầy âm sắc.
Những cảnh lễ hội, vui vẻ nhảy múa ca hát tưng bừng, một dàn kèn đồng hoặc ban nhạc Rock, Pop thể hiện sinh động. Những bộ phim nhiều tập của truyền hình bình thường có một ca khúc dễ nhớ được nhắc lại hầu hết các tập và những biến tấu của dàn nhạc nhẹ.
Tuy nhiên khắc họa phong cảnh làng quê, một đêm trăng xóm vắng có tiếng hát ru à ơi, một nhát cắt về vùng cội nguồn nhiều khi một tiếng đàn bầu ngân nga, tiếng đàn kìm man mác, hay nếu làm ta nhớ đến vùng rẻo cao thì chỉ cần du dương sáo H’mong hay rộn rang tiếng Khèn là đủ.
Như vậy người nhạc sĩ có rất nhiều chọn lựa cho việc hợp tác với đạo diễn điện ảnh để viết nên những trường đoạn âm nhạc phù hớp và nối dài thêm cảm xúc cho người xem.
Trong các thể loại điện ảnh thì phim hoạt họa dường như do đặc điểm đa số nhân vật dành cho các em là động vật, thực vật, một số nhân vật lịch sử đã trở nên những chung của nhân loại và được mã hoá như gấu misa, sư tử, khỉ, cáo, thỏ, chuột Mitskey, vịt Donald hay gần đây hoạt họa Trung quốc đã cố gắng đưa gấu trúc vào gia tài ấy hay hoạt họa Nhật bản dùng trang phục Nhật nhưn yếu tố siêu nhân và công nghệ thông tin đã làm nên mẫu số chung cho trẻ em toàn thế giới.
Người viết nhạc cho phim hoạt họa trong việc chọn lựa âm nhạc sẽ dễ dàng hơn viết nhạc phim truyện hay phim tài liệu lịch sử, ít nhất là âm nhạc truyền thống dân tộc.
Tất nhiên trong âm nhạc cho hoạt họa vẫn có những phim những trường đoạn nhạc dân tộc, nhưng vì đặc điểm tính phân loại đã cho phép người viết nhạc làm thế nào thể hiện được là đạt yêu cầu.
Phim tài liệu và phim truyện, âm nhạc phải giúp thêm người xem xác định được thời điểm (thời gian) địa điểm (không gian) và tính thời đại thể hiện bằng nhiều sắc độ của đời sống từng dân tộc, từng thời kỳ vì vậy âm nhạc phải diễn đạt được những yêu cầu đó và vì vậy yếu tố dân tộc rất cần đề cập đến.
Dù dùng dàn nhạc giao hưởng thính phòng hay dàn nhạc trẻ điện tử người nhạc sĩ vẫn cố gắng đóng khung giai điệu tiết tấu mang tính địa phương vì vậy người xem sẽ nghe âm hưởng quen thuộc của âm nhạc truyền thống. Nếu là phim kể chuyện Việt Nam, thì phải có âm hưởng Việt Nam, phim Ấn độ là nhạc Ấn độ, phim Ả rập phải có màu âm Ả rập.
Như vậy là chúng tôi đã bàn ít nhiều đến tính dân tộc trong âm nhạc cho điện ảnh.
Trong bài tham luận này chúng tôi không có điều kiện minh họa âm nhạc và cũng không nói đích danh những bộ phim nào.
Tuy nhiên quí vị sẽ nghe được những kiến giải của chúng tôi về ý nghĩa của âm nhạc dân tộc trong điện ảnh.
Trong những điều chúng tôi đã trình bày ở trên có nói đến nhạc sĩ có thể dùng các dàn nhạc và âm nhạc không theo âm nhạc truyền thống dân tộc nhưng vẫn đạt được yếu tố địa phương nhờ vào giai điệu và tiết tấu. Tất nhiên dàn nhạc giao hưởng hoặc dàn nhạc điện tử khi biểu hiện hoặc bắt chước nhạc cụ truyền thống nhất định sẽ ít nhiều ngọng nghịu có khi là ngô nghê. Chúng ta trong giao tiếp có thể thông cảm và nhiều cảm tình với người nước ngoài nói tiếng Việt.
Thế thì dùng dàn nhạc truyền thống dân tộc thuần tuý sẽ ra sao. Tất nhiên là rất Việt Nam. Tuy nhiên nghệ thuật điện ảnh cần đến âm nhạc để nói đến những điều mà hình ảnh chưa nói hết.
Người nhạc sĩ còn phải chọn cho mình một cách biểu hiện thật trọn vẹn khi có thể tả cảnh, tả tình, đẩy mạnh óc tưởng tượng của người nghe bằng âm nhạc và không gò bó mình trong công thức mà phải có óc sáng tạo để làm nên một bức tranh âm nhạc tôn vẻ đẹp của điện ảnh.
Xin chân thành cảm ơn quí vị đã lắng nghe và chia sẻ.