Người viết: Đạo diễn Tô Hoàng
Yêu cầu nổi trội của thể loại Phim Phóng sự – Tài liệu là tính chân thực. Chân thực như “ chụp ảnh cuộc sống”, chân thực như “xắn một mảnh cuộc đời đưa lên màn ảnh”. Với hai ví von hình ảnh đó, tính chân thực trong thể loại Phim Phóng sự-Tài liệu cũng vạch lằn ranh khác với yêu cầu về tính chân thực trong phim truyện.
Nhấn nhá yêu cầu số 1 này, chúng ta sẽ suy nghĩ ra sao đây về việc đưa nhạc vào Phim Phóng sự – Tài liệu?
Từ thuở phim Phóng sự – Tài liệu xuất hiện ở nước ta như một thể loại được công nhận giữa các sản phẩm điện ảnh khác với các bộ phim như “ Nước về Bắc hưng Hải”, “ Trai thôn Tòng gái thôn Bạt”, “ Dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa”.. phần nhạc sẽ đưa vào phim đều do một nhạc sĩ tên tuổi sáng tác; sau đó có bản tổng phổ đàng hoàng và bản thân nhạc sĩ hoặc hãng phim tổ chức một dàn nhạc hẳn hoi tập tành cho đến khi hoàn chỉnh, sau đó được đưa vào phòng ghi âm, ghi vào băng từ và giáp vào phim. Ngay trong những năm tháng bom đạn ùng oàng, cung cách đưa âm nhạc vào phim như vậy không hề thay đổi. Nhiều bộ phim Phóng sự – Tài liệu của Điện ảnh Giải phóng, Quân Giải phóng đều được làm phần nhạc ở các phòng thu miền Bắc. Ví như các bộ phim “ Những người săn hươu trên núi DakSao”, “ Ngược dòng Thác bạc”, “ Nghệ thuật tuổi thơ”, “ Đường ra phía trước”…Phần nhạc trong những bộ phim Phóng sư – Tài liệu gây tiếng vang vào những năm 1980 như “ Đường dây lên sông Đà”, “ Hà Nội trong mắt ai”, “ Chuyện tử tế”…đã góp phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm điện ảnh. Rất nhiều nhạc sĩ “chim đầu đàn” tham gia viết nhạc cho phim Phóng sự – Tài liệu. Có thể kể ra đây tên tuổi các nhạc sĩ Hoàng Vân, Chu Minh, Hồng Đăng, Huy Du, Doãn Nho, Huy Thục, Thuận Yến…
Nề nếp làm ăn chính quy, bài bản như vậy trong việc đưa nhạc vào phim –tôi xin nhấn mạnh là Phim Phóng sự – Tài liệu bước qua cơ chế thị trường dần dà bị giản lược, bị sơ sài, bị tùy tiện hóa. Không cần phải có nhạc sĩ sáng tác riêng cho phim. Càng không cần có dàn nhạc dành để biểu diễn bản nhạc sẽ đưa vào phim. Nhạc chọn nổi lên. Thôi thì chọn cũng được. Cho bớt nhiêu khê, phức tạp; cho giảm kinh phí làm phim. Giản lược, sơ sài đến độ băng dĩa đầy ra đấy, ai chọn nhạc chẳng được, cần gì tới nhạc sĩ? Và tùy tiện, ẩu tả đến độ trên màn ảnh thể hiện những khó khăn, bi kịch xảy ra ở Việt Nam nhưng được minh họa bằng những Sonat Ánh Trăng, Khúc hát Nàng Xonvec, Giao hưởng Định mệnh…
Thực trạng này đang hoành hành. Càng tác ái tác quái hơn khi Phim Phóng sự – Tài liệu trả về cho màn ảnh nhỏ. Đã thưa hiếm, trở nên hoài niệm của một thời xa xưa khi có ai đó bỏ tiền làm phim Phóng sự – Tài liệu dành cho màn ảnh lớn.
Hiện nay với phần âm nhạc dành cho thể loại Phóng sự-Tài liệu đang lưu hành 2 quan niệm cần phải được phê phán:
– Phim Phóng sự – Tài liệu cần quan tâm nhất là Lời bình, sau tới phần Hình ảnh. Nhạc có hoặc không cũng chẳng sao.
– Phổ biến hơn là quan niệm âm nhạc trong phim Phóng sự-Tài liệu chỉ là thứ phụ gia nêm nếm. Có nhạc cho vui, có nhạc để lấp khoảng trống, có nhạc cho phim có khí thế…
Theo quan niệm của chúng tôi, trong phim Phóng sự – Tài liệu âm nhạc yếu tố tổ thành hữu cơ của một bộ phim. Nghĩa là không có nhạc không ra phim trước đã. Sau đó âm nhạc đóng vai trò gắn kết máu thịt, hồn cốt với các yếu tố khác tạo nên một bộ phim trước hết là hình ảnh, sau đó với âm thanh, lời bình..
Cái khó đối với những nhạc sĩ thành tâm muốn dành tâm huyết và tài năng của mình cho thể loại phim Phóng sự – Tài liệu –theo thiển ý của chúng tôi – phụ thuộc ở bản thân tác phẩm Điện ảnh.
Phần nhạc viết cho một bộ phim 20, 30 phút hiển nhiên cần phải có chủ đề, cần một hoặc vài giai điệu chủ đạo. Ấy thế nhưng nếu bộ phim kia chỉ là một món lẩu thập cẩm, hầm bà làng theo kiểu “ gặp gì ghi nấy”, phim sẽ không thể gợi ý và gợi cảm hứng cho người nhạc sĩ tìm ra một chủ đề và những giai điệu thích hợp. Tiện đây cũng nói luôn, dù là dùng nhạc chọn cũng vậy thôi. Nếu đề tài, chủ đề, yêu ghét của bộ phim phân minh, từ đây mới có định hướng cho người chọn nhạc. Phim lộn xộn, ý tứ chưa chín, cấu tứ nhẩy cóc từ ý này qua ý khác- đương nhiên việc chọn nhạc cũng mất phương hướng và đích đến.
Một câu hỏi hiện cũng còn là điều đang tranh cãi chưa ngã ngũ giữa các nhà làm phim Phóng sư – Tài liệu sẽ gây khó khăn, trở ngại không nhỏ với các nhạc sĩ muốn viết nhạc cho thể loại phim này. Câu hỏi đó là: ‘Trong phim Phóng sự – Tài liệu có xung đột tạo nên tính kịch hay không?
Quan niệm của những người làm phim Phóng sự – Tài liệu chuyên nghiệp khắng định là có. Không những có mà là rất cần thiết. Mâu thuẫn, tạo ra kịch tính trong phim Phóng sự – Tài liệu tạo nên sức lôi cuốn và hấp dẫn của bộ phim. Vấn đề là cần phải có hiểu biết, có tài để gột lên mâu thuẫn, xung đột kia khi tạo nên cấu trúc của bộ phim. Bản thân điều được phản ảnh bằng phim đã có nút thắt, nút mở, đã có khúc dạo đầu, phần kết thúc; đặc biệt có những cao trào – điều này dĩ nhiên tạo cảm hứng cho người viết nhạc cho phim.
Trong thể loại phim Người thật Việc thật này có một loại phim như một thử thách đối với các nhà làm phim –đó là Phim Tài liệu Chân dung. Màn ảnh thế giới đã từng có rất nhiều bộ phim chân dung đặc sắc về các nhân vật tầm cỡ như Găngdi, Oa –sin-tơn- Xêch-xpia, Heming uây… Nói tới phim Tài liệu chân dung là nói tới tâm trạng và tính cách nhân vật. Với loại phim này, các nhạc sĩ thừa đất thi thố tìm tòi và tài năng. Phần nhạc viết cho nhiều phim tài liệu chân dung trong rất nhiều trường hợp là một chỉnh thể có sức sống lâu dài.
Nhiều nhạc sĩ viết nhạc cho phim Phóng sự – Tài liệu cũng đã lưu tâm tới một hiện tượng khác.
Trong phim truyện những âm thanh thật như tiếng gió hú, tiếng voi gầm, nai tác, tiếng máy bay rít, tiếng nổ của bom đạn…nghiêng hẳn về tác dụng tạo không khí, gắn hẳn với diễn tiến của câu chuyện và hành động của diễn viên. Âm thanh ấy ít mang tính biểu trưng. Trong phim Phóng sư – Tài liệu, ngoài việc gắn kết, truyền sức sống cho hình ảnh, âm thanh ghi âm tại chỗ còn mang tác dụng biểu trưng. Ví như, đoạn phim mô tả một xóm nghèo thì những âm thanh của chiếc gàu sắt va vào miệng giếng, tiếng sàng sẩy thóc gạo, tiếng bà mẹ mệt mỏi ru con, tiếng đứa trẻ bỗng khóc ré lên..nếu biết lựa lọc và sử dụng đúng chỗ, đúng lúc nhiều khi còn có tác tác động gây xúc cảm ngang ngửa, hoặc vượt lên trên cả hình ảnh.
Hiểu biết về đặc điểm của âm thanh đóng vai trò như thế nào trong phim Phóng sự – Tài liệu nên nhiều nhạc sĩ đã nắm bắt rành rõ, thành thạo mối tương tác qua lại giữa âm nhạc và âm thanh.
Trên đây chỉ là một vài nhận xét nhỏ của chúng tôi về việc đưa nhạc vào thể loại phim Phóng sự-Tài liệu.
Nói gì thì nói, phần nhạc ấy dứt khoát phải sáng tác có chất lượng của một nhạc sĩ thực thụ. Ngược lại tên tuổi của người nhạc sĩ đó cũng có giá trị ngang ngửa, đầy tự hào với mọi thành phần làm phim chính khác – những tác giả cha đẻ tinh thần của bộ phim.